Với quyết tâm chung tay góp phần thay đổi cuộc sống vùng biên, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã có nhiều chương trình hành động cụ thể, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao dân trí, phát triển KT-XH.
Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh khánh thành và bàn giao nhà cho gia đình chị Chìu Nhì Múi (thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu), tháng 10/2020.
Qua 3 năm (2018-2020) thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Quảng Ninh là địa phương duy nhất thực hiện chương trình theo phương thức tự lực, tự chủ nguồn lực mà không có sự đồng hành, giúp đỡ từ các tỉnh, thành phố khác. Hai xã Lục Hồn và Vô Ngại (huyện Bình Liêu) được lựa chọn hỗ trợ là 2 địa phương khó khăn nhất trong các tuyến xã vùng biên giới, 100% hộ dân là người dân tộc thiểu số.
Khi lựa chọn 2 xã này để thực hiện hỗ trợ, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh gặp không ít khó khăn do nhận thức và nếp sống của phụ nữ và người dân còn rất hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu; nhiều hộ cả gia đình còn sinh sống trong những ngôi nhà bằng tường đất không an toàn. Đặc biệt, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, kinh tế hộ gia đình với cách làm bảo thủ, không hiệu quả; còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Để xóa bỏ được những hủ tục trong sinh hoạt, cũng như các phương thức manh mún trong sản xuất, 2 đơn vị đã tiến hành tuyên truyền tới từng gia đình hội viên về thực hiện “3 sạch” và nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây nhà tắm nhà tiêu, hợp vệ sinh; động viên các hộ nghèo, cận nghèo tích cực, tự giác, chủ động tham gia thực hiện những mô hình phát triển kinh tế; vận động các gia đình tham gia Ngày chủ nhật xanh tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ do Hội Phụ nữ phát động.
Phụ nữ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ vật dụng và hướng dẫn phụ nữ khó khăn ở xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, dọn dẹp nhà ở. Ảnh: Hằng Ngần
Với sự tỉ mỉ, sáng tạo trong cách triển khai, hỗ trợ, 2 xã đã có sự thay đổi lớn về diện mạo, chuyển biến trong nếp sống ngày càng rõ rệt. Ngoài việc vận động xã hội hóa nguồn lực được đảm bảo theo cam kết đăng ký hỗ trợ, 2 đơn vị đã triển khai thêm nhiều hoạt động khác so với kế hoạch ban đầu với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng và nhiều ngày công lao động của các chiến sĩ BĐBP tỉnh.
Trong 3 năm, 2 đơn vị đã hỗ trợ các hộ gia đình xây mới 17 nhà an toàn và sửa chữa 3 nhà với số tiền 610 triệu đồng, vượt 7 nhà so với kế hoạch dự kiến ban đầu.
Các gia đình được hỗ trợ xây nhà, ngoài số tiền được nhận hỗ trợ, còn được ủng hộ ngày công làm nhà, vận chuyển nguyên vật liệu, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt khi khánh thành nhà mới. Những ngôi nhà mới đảm bảo yếu tố “3 cứng” và đều có công trình phụ kèm theo, trong đó đảm bảo 100% có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bên cạnh việc hỗ trợ xây nhà an toàn, phụ nữ nghèo tại 2 xã còn được hỗ trợ 2 loại mô hình sinh kế là nuôi lợn và gà thương phẩm. Trong đó có 37 hộ được hỗ trợ vốn, con giống để nuôi gà thương phẩm, 10 hộ tham gia mô hình nuôi lợn từ nguồn hỗ trợ trực tiếp của chương trình; 1 hộ triển khai từ nguồn vốn 135 của huyện; 1 hộ thực hiện từ nguồn vay vốn ủy thác của Hội và 3 hộ từ nguồn hỗ trợ sinh kế cùng với hỗ trợ xây nhà an toàn. Nhờ đó, đến nay nhiều hộ đã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong thời gian tới, tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ vùng biên, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với các cơ sở Hội và lực lượng biên phòng tiếp tục tuyên truyền vể mục đích, ý nghĩa để chương trình ngày một lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với đó, sẽ hướng chương trình tới toàn bộ các xã biên giới trên địa bàn tỉnh với phương châm phát huy tinh thần “tự lực, chăm chỉ, chia sẻ, hợp tác” trong hội viên phụ nữ để cùng nhau phát triển...
Đàm Vân