Thị trường bất động sản thời gian tới được dự báo sẽ phụ hồi và tăng trưởng mạnh nhờ nhiều lực đẩy tích cực. Song, vấn đề dòng tiền của các doanh nghiệp vẫn còn là một bài toán nhiều trăn trở.
Khi bất động vẫn chưa thoát khỏi bóng đen của đại dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát một tín hiệu được giới chuyên môn đánh giá sẽ phần nào tác động đến nguồn vốn trên thị trường.
Cụ thể, ngày 10/11/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, động thái này là cần thiết, nhất là sau sự kiện "bom nợ" Evergrande liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao. Song, thông tư này có thể sẽ gây khó khăn hơn cho hoạt động phát hành trái phiếu, trong đó có cả doanh nghiệp bất động sản.
Phải nói thêm, trái phiếu không phải là kênh duy nhất để các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn. Song, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, vấn đề dòng tiền bị ảnh hưởng nặng nề thì việc chuẩn bị nguồn vốn rất quan trọng đối với các nhà phát triển dự án.
Do đó, xu hướng nguồn vốn vào bất động sản trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào đang là một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là vào giai đoạn cuối năm.
Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2021 diễn ra sáng 13/12, ông Lê Vũ Trường, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Kế toán Tài chính, EY Đông Dương cho rằng: "Việc IPO và huy động vốn trên sàn chứng khoán thời gian tới sẽ là một xu thế tất yếu. Bởi nếu nhìn vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan đến việc cho vay hay phát hành trái phiếu sẽ ngày càng chặt chẽ hơn và kênh huy động này sẽ càng ngày càng khó khăn hơn".
Tuy nhiên, theo ông Trường, việc IPO có đem lại hiệu quả hay không sẽ phụ thuộc vào chính sự chuẩn bị của bản thân các doanh nghiệp. Đây sẽ là một kênh huy động vốn cực kỳ tốt nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt. Bởi khi đã lên sàn nghĩa là mọi thứ đều phải minh bạch, các thông tin của doanh nghiệp tới nhà đầu tư đều phải rõ ràng.
"Rõ ràng, một doanh nghiệp được niêm yết trên sàn sẽ rất hấp dẫn các nhà đầu tư và bản thân khách hàng của họ", vị này nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, trong bối cảnh tín dụng và trái phiếu bị siết chặt, IPO là một xu hướng chủ đạo mà các doanh nghiệp sẽ phải hướng đến trong thời gian tới.
Về dài hạn, theo vị chuyên gia này, trong khoảng 5 - 10 năm tới, việc chứng khoán hóa bất động sản (chia nhỏ bất động sản để huy động vốn) thông qua các quỹ đầu tư sẽ được quan tâm. Ngoài ra, còn một xu hướng nữa liên quan đến việc phát triển các đồng tiền kỹ thuật số để ứng dụng trong lĩnh vực bất động sản.
"Đây sẽ là những kênh để doanh nghiệp huy động thêm vốn. Trên thế giới, xu hướng này đã bắt đầu manh nha", vị này cho hay.
Xét về tỷ trọng, theo ông Quốc Anh, nguồn vốn đến từ ngân hàng và trái phiếu vẫn chiếm chủ đạo và quan trọng nhất. Tuy nhiên, thời gian tới có thể nguồn vốn từ hai kênh này sẽ giảm và nguồn vốn liên quan đến hoạt động IPO sẽ tăng lên.
Ngoài ra còn một nguồn vốn tiềm năng nữa theo vị chuyên gia này đó là đến từ các khách hàng, bởi họ chính là những người mua sản phẩm cuối cùng.
Còn theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nguồn vốn trên thị trường bất động sản năm vừa qua vẫn rất tích cực. Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Theo ông Lực, đây sẽ là một cú huých rất tốt với mức lãi suất tương đối ưu đãi, có thể thấp hơn thị trường hiện nay khoảng 3 - 4%. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang làm đầu mối chủ trì để trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030.
Cũng theo vị chuyên gia này, thị trường vốn của Việt Nam đang phát triển rất tích cực. Trái phiếu doanh nghiệp cũng phải triển mạnh và doanh nghiệp cũng đã đa dạng hóa nguồn vốn huy động của mình cả ở trong và ngoài nước.
"Chúng tôi cũng đang đề xuất với Chính phủ về lâu dài cần phải có các quỹ như Quỹ tín thác bất động sản, Quỹ tiết kiệm nhà ở và Quỹ phát triển nhà ở. Đây đều là những mô hình mà các nước triển khai tương đối tốt trong thời gian vừa qua", ông Lực nói.
Hà Lê