Các công trình chung cư mini đã đi vào hoàn thiện và được cấp sổ hồng từng căn hộ không nhiều. Do đó, kiểu kinh doanh khai thác chung cư mini để cho thuê lại đang trở thành hướng đi chuyên nghiệp, phù hợp với thực tế thị trường và đặc tính sản phẩm.
Nếu bỏ qua vấn đề được cấp chứng nhận sở hữu cho từng căn hộ trong công trình chung cư mini (liên quan tới chấp hành quy định hành lang pháp lý liên quan) thì loại hình nhà ở này luôn có sức hút lớn với cả nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn doanh nghiệp muốn tìm kiếm lợi nhuận từ bất động sản.
Sổ hồng chưa phải là tất cả
Xét ở thị phần doanh nghiệp chuyên xây dựng, kinh doanh sản phẩm chung cư mini, thị trường địa ốc thủ đô mới chỉ biết tới một vài tên tuổi như Hanoiland, Đất Vàng Kinh Đô… Đây là hai doanh nghiệp cung ứng một tỷ lệ nguồn hàng đáng kể cho người tiêu dùng thời gian qua.
Trong đó, Hanoiland là đơn vị nắm trong tay khoảng trên 20 công trình, trong đó gần 30% công trình đã có sổ hồng cho từng căn hộ. Các căn chung cư mini này nằm rải rác ở quận Tây Hồ và địa bàn huyện Từ Liêm cũ.
Tiếp sau là Đất Vàng Kinh Đô với địa bàn khai thác chính là quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm. Đặc biệt, tại khu vực Vũ Tông Phan – Khương Đình hiện đang tập trung khá nhiều công trình chung cư mini được nhiều khách hàng quan tâm.
Sảnh vào một công trình chung cư mini xanh (phòng trọ cao cấp) theo cách gọi
của đơn vị phân phối sản phẩm
Bên cạnh đó, dưới đủ loại pháp nhân chủ đầu tư (có thể là cá nhân hoặc doanh nghiệp), hiện thị trường đang có hàng trăm chung cư mini đã và đang hoạt động từ nhiều năm nay. Sau khi cơ quan chức năng công bố bộ tiêu chuẩn để một dự án chung cư mini đủ điều kiện để tách sổ đỏ (Quyết định 13 ngày 24/3/2013 và Quyết định 24 đầu 2014 của UBND Tp.Hà Nội), cùng với quy định giới hạn về mật độ – chiều cao công trình xây dựng tại khu vực trung tâm nội đô, khách mua chung cư mini đã bắt đầu có tâm lý xoay chuyển theo hướng tìm hiểu rất kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến pháp lý, uy tín chủ đầu tư trước khi mua.
Trước diễn biến đó, chung cư mini một lần nữa lại được khai thác theo hướng đánh thẳng vào nhu cầu sinh hoạt ở khu trung tâm để được hưởng thụ tối đa các tiện ích tối ưu.
Quỹ đất nội đô ngày một eo hẹp, vị trí đất vàng – đất kim cương phần lớn lại đang nằm trong tay các tên tuổi lớn trong làng bất động sản dưới nhiều kiểu "giữ chỗ" khác nhau, quy hoạch phát triển mở rộng Hà Nội thành mạng lưới các đô thị vệ tinh cũng là yếu tố đòi hỏi thời gian để về đích hoàn thành các công trình dự án.
Chung cư mini cũng được khoác áo "xanh"
Trong khi đó, người dân luôn đòi hỏi nơi ở phải đáp ứng đồng thời các yếu tố: vị trí trung tâm – ổn định – giá rẻ (so với mặt bằng giá trị bất động sản trên thị trường) nhưng chưa bao giờ được thỏa mãn. Thực tế là nhiều công trình chung cư mini dù mới làm móng nhưng khách đã hỏi mua, đặt hàng tới tấp.
Những công trình chung cư mini với diện tích căn hộ chưa tới 30m2 ở quận Đống Đa, những sản phẩm rao bán với giá ngót tỷ đồng (khoảng 26-27 triệu đồng/m2) ở quận Tây Hồ... nhanh chóng ra đời là hoàn toàn dễ hiểu. Đáng chú ý, trong khi những giao dịch mua bán chung cư mini chỉ ở dạng truyền tai nhau, hoặc thông qua môi giới đăng tin trực tuyến, thì ngược lại, hoạt động khai thác cho thuê chung cư mini đang diễn ra khá náo nhiệt, thậm chí còn lên tầm…chuyên nghiệp.
Quan sát thực tế cho thấy, nguồn cầu thuê nhà (làm văn phòng, hoặc để ở) đóng vai trò "lương khô" đối với bất cứ môi giới nào. Không kể các nhân viên thuộc các sàn mang chức năng đầu tư (được hưởng lương và chế độ ổn định), các cá nhân hoạt động dịch vụ trung gian bao giờ cũng phải giắt lưng kinh nghiệm về mảng cho thuê (chủ yếu là căn hộ chung cư và tập thể) thì mới có thể duy trì thu nhập nhất định. Do giá trị hợp đồng thấp (phổ biến khoảng 2-3 triệu đồng/tháng) nên hiện nay chung cư mini không được quan tâm đúng mức trong mắt các môi giới.
Theo tìm hiểu của PV trang Thời báo Kinh doanh, thị trường hiện đang xuất hiện khái niệm mới cho dòng sản phẩm này: chung cư mini xanh. Thuật ngữ "xanh" hay "sinh thái" không còn mới mẻ, nó từng được gắn với một vài dự án đình đám thời gian trước (như EcoPark hay Phú Mỹ Hưng). Thuật ngữ này khi gắn với một vài dự án đã gây không ít tranh cãi của giới chuyên môn về tiêu chuẩn và cách gọi ở thị trường bất động sản Việt Nam.
Áp dụng với các công trình chung cư mini được quảng cáo xanh (theo cách gọi của công ty CP bất động sản B.T.N, Cầu Giấy) thì bộ tiêu chuẩn cho loại hình nhà ở này đại thể như sau: Toàn bộ hành lang và không gian chung đều được bố trí cây xanh; Có dịch vụ vệ sinh và thu gom rác thải hàng ngày; an ninh bảo vệ 24/24…
Tuy nhiên, đơn vị trên cũng khẳng định, thực chất hệ thống chung cư mini xanh chỉ là "một sản phẩm phòng trọ cao cấp" của doanh nghiệp. Đáng chú ý, theo như lời giới thiệu của công ty B.T.N thì đơn vị này ra đời từ năm 2009 và tập trung mạnh vào đầu tư cho thuê các dòng căn hộ chung cư mini xanh và văn phòng xanh.
Trao đổi với PV, Huy, một sinh viên đang theo học tại địa bàn đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) tỏ ra rất hào hứng với các loại sản phẩm khoác áo "xanh" này: "Mặc dù cây xanh chỉ gọi cho có (từ 3-4 chậu cây cảnh loại nhỏ tại hành lang), nhưng cũng vẫn tạo ra cảm giác dễ chịu hơn hẳn so với các phòng trọ toàn bê tông – cốt thép. Giá cả tuy có đắt hơn 1 chút nhưng bù lại là điều kiện an ninh tốt và các khoản chi phí đều rõ ràng".