Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội mới đây cho thấy, đến năm 2020, các đô thị cần khoảng 432.000 căn hộ, tương ứng 17,28 triệu m2 nhà ở cho người thu nhập thấp.
Mặc dù Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội trong những năm gần đây, nhưng dường như đây vẫn là bài toán khó cho cả doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách. Tính đến nay, trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, cả nước đã hoàn thành 38 dự án với quy mô xây dựng khoảng 19.830 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.810 tỷ đồng.
Có thể thấy, con số đó vẫn còn khá ít ỏi so với nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp ở đô thị, học sinh, sinh viên tại các trường học và công nhân ở các khu công nghiệp.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Tp.HCM kiêm Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành về giải pháp nào cho nhà ở xã hội.
- Theo báo cáo giám sát của ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây nhất, số lượng nhà ở xã hội được xây dựng mới đáp ứng dược 7% nhu cầu. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến nguồn cung nhà ở còn ở con số “quá khiêm tốn” như vậy?
Có thể nói chương trình nhà ở xã hội của chúng ta đã thất bại và đây là một thất bại được biết trước. Từ năm 2009, tôi đã nhiều lần kiến nghị và cảnh báo về cách thức thực hiện như hiện nay. Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ xây dựng vẫn không thay đổi, để rồi sau nhiều năm triển khai xây dựng nhà ở xã hội, số căn hộ làm ra chỉ đạt vài phần trăm kế hoạch.
Đầu tiên đây là trách nhiệm của Nhà nước, không thể đùn đẩy cho doanh nghiệp dù là những doanh nghiệp quốc doanh thực hiện vài chung cư xây chen vài ngàn m2 đến vài ba ha. Đáng ra, Nhà nước phải tổ chức và đầu tư hạ tầng khu dân cư hàng trăm ha hay ít ra là vài mươi ha, sau đó giao đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện từng chung cư. Phải có chỉ tiêu làm sao hàng năm có chừng 30-50 ngàn căn hộ giá rẻ, việc kết quả chỉ dừng lại ở vài trăm thậm chí vài ngàn căn/năm là một thất bại. Điều đáng nói là hiện Nhà nước không xác định ai chịu trách nhiệm chính thực hiện chương trình này.
- Như vậy, để số lượng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân thì Nhà nước vẫn đóng vai trò then chốt nhất?
Đúng vậy! Nếu Nhà nước có chiến lược, có cách làm và có trách nhiệm thì nhà ở xã hội mới sớm đến tay người dân. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu, vài năm nữa cũng chưa chắc có được bao nhiêu căn nhà ở xã hội. Cần phải quyết tâm tổ chức thực hiện chương trình nhà ở xã hội, cần thiết phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền các cấp để làm sao trong 2, 3 năm nữa sẽ tăng số lượng nhà ở xã hội. Phải có Ủy ban Quốc gia phát triển nhà ở trực thuộc Chính phủ và Ban phát triển nhà ở trực thuộc các tỉnh thành, nghiên cứu điều tra xã hội học về nhu cầu nhà ở xã hội, từ đó đề ra những chiến lược chỉ tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện một cách khả thi thực tế và bền vững.
|
Hiện nay, đầu tư nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả (ảnh minh họa, nguồn: Vneconomy) |
- Để nhà ở xã hội đáp ứng đầy đủ cả 3 tiêu chí rẻ, vị trí thuận lợi và chất lượng tốt có quá khó với doanh nghiệp, thưa ông?
Doanh nghiệp khó đáp ứng được cả 3 tiêu chí trên khi xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Nhà nước về quy hoạch và hạ tầng thì doanh nghiệp có thể làm được.
- Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở xã hội, chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, hiện số lượng nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội vẫn còn khá ít ỏi. Thưa ông, sự chậm trễ này xuất phát từ đâu? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn này?
Phương thức kinh doanh và thủ tục là nguyên nhân dẫn đến số lượng chuyển đổi rất ít và chậm. Đối với phương thức kinh doanh, nhiều doanh nghiệp hiện nay khó bán được hàng vì phải thông qua thủ tục xét duyệt giá bán và người mua cũng phải được thẩm định kỹ để không bán sai đối tượng. Về thủ tục còn vướng mắc tại quy trình chuyển đổi phức tạp và thời gian kéo dài, doanh nghiệp phải trải qua nhiều khâu thẩm định và xét duyệt mới được chuyển đổi.
- Thưa ông, những hỗ trợ cho doanh nghiệp theo quy định trong Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi mới được thông qua (25/11) đã đủ để khuyến khích đầu tư vào nhà ở xã hội chưa? Nhà nước cần có những hỗ trợ nào khác nếu muốn doanh nghiệp hào hứng đầu tư?
Những hỗ trợ như trong Luật kinh doanh BĐS chưa thực sự khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội. So sánh những ưu đãi đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại trong Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có thể thấy:
Ưu đãi với nhà ở xã hội: miễn giảm tiền sử dụng đất, doanh nghiệp và người mua tiếp cận được gói vay 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, được tăng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc như tăng dân số và diện tích xây dựng lên 1,5 lần (tuy nhiên, thực tế không được các địa phương ủng hộ nên không có được ưu thế tăng này).
Ưu đãi với nhà ở thương mại: doanh nghiệp được tự do bán bất cứ lúc nào có nhu cầu và cho bất kỳ đối tượng nào, có thể bán toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp môi giới. Người mua nhà không bị giới hạn việc bán lại trong vòng 5 năm kể từ ngày trả hết tiền mua nhà, không phải qua xét duyệt. Hơn nữa, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng hiện đã được mở rộng, tạo điều kiện cho khách hàng vay mua nhà ở thương mại trị giá 1,05 tỷ đồng/căn.
Nếu so sánh về lợi ích, ưu đãi giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đem lại cho doanh nghiệp, có thể nhận thấy nhà ở thương mại đem lại lợi thế lớn hơn. Từng có trường hợp, doanh nghiệp đã chuyển đổi gần 500 căn hộ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhưng sau nhiều tháng chỉ mới bán được 100 căn, sau đó doanh nghiệp phải xin chuyển lại nhà ở thương mại.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo CafeLand)