Ngày mai (25/11), Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều quy định mới nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua sẽ tác động không nhỏ đến thị trường BĐS Việt Nam.
Hai dự án luật nói trên qua lần sửa đổi này đã đưa ra nhiều quy định theo hướng tăng cường cải cách các thủ tục hành chính về quản lý nhà ở; tăng tính minh bạch, công khai của thị trường BĐS; đề xuất thêm chế tài trong việc góp vốn và huy động đối với các dự án BĐS, bên cạnh đó, mở rộng phạm vi kinh doanh BĐS đối với nhà đầu tư nước ngoài...
Các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS sẽ chịu tác động lớn nhất trong số đối tượng bị chi phối bởi vì theo quy định mới, ngành nghề đầu tư, kinh doanh BĐS, vốn pháp định sẽ tăng từ mức 6 tỷ đồng hiện tại lên tới 20 tỷ đồng. Đó là nỗi lo lớn vì hiện đến 60% doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS đang có vốn pháp định dưới 20 tỷ đồng. Đổi lại, chủ đầu tư sẽ không phải tiến hành "ký quỹ" đối với dự án kinh doanh, đầu tư BĐS.
ĐLuật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) lần này cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án BĐS. Quy định này được cho là sẽ tác động lớn tới thị trường BĐS thời gian sắp tới.
Dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều quy định mới sẽ tác động đến thị trường BĐS Việt Nam
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã mở rộng quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài ở tại Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài . Đơn cử, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở (gồm nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư) gắn với quyền sử dụng đất ở mà không bị hạn chế về loại nhà, số lượng được sở hữu. Ngoài ra, người nước ngoài được cho phép nhập cảnh vào Việt Nam cũng sẽ có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Hơn nữa, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ đầu để đảm bảo quyền lợi của người mua BĐS. Cụ thể, chủ đầu tư chỉ được phép bàn giao nhà ở, công trình xây dựng cho người mua khi đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của cả khu vực. Chủ đầu tư phải hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài của nhà, công trình đó nếu bàn giao nhà ở, công trình xây dựng thô.
Nhưng việc Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định không bắt buộc các giao dịch BĐS phải thực hiện qua ngân hàng, dồng thời, các ngân hàng có trách nhiệm giám sát dòng tiền mà chủ đầu tư dùng cho các hợp đồng mua bán BĐS hình thành trong tương lai đang là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nhiều chủ đầu tư trên thực tế đã dùng tiền mua nhà sai mục đích, làm thiệt hại nặng nề cho người mua. Việc kê khai tài sản và chống rửa tiền cũng trở nên khó khăn hơn với giao dịch BĐS bằng tiền mặt.
Hai văn bản Luật Kinh doanh BĐS (2007) và Luật Nhà ở (2006) sau gần 10 năm thực thi đã bộc lộ nhiều bất cập, làm hạn chế sự phát triển của thị trường BĐS và quá trình đô thị hóa. Con số hơn 100.000 căn hộ tồn kho tại Tp.HCM và Hà Nội đã cho thấy sự hạn chế trong việc điều tiết cung, cầu của hai luật nền tảng của thị trường BĐS.
Căn cứ vào quy định mới, dự án kinh doanh, đầu tư BĐS buộc phải tuân thủ kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch đô thị và phải theo kế hoạch thực hiện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước đó. Cơ quan chức năng và chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm công khai trung thực, đầy đủ thông tin về BĐS được phép kinh doanh.
Những quy định trên hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng phát triển tự phát của thị trường BĐS, từ đó hàng hoá BĐS sẽ được đưa dần về đúng giá trị thực của nó.
(Theo Báo đầu tư)