Hotline: 098.256.8899
Chat Facebook
Chat Zalo
Gọi ngay
098.256.8899  -  091.689.7273
Tìm kiếm nhà đất
Nhà phố Harbor Bay Hạ Long

Dòng vốn cho bất động sản lại dồi dào

Cập nhật: 13/12/2014 -
Lượt xem:1764

Dòng vốn cho bất động sản dường như đã được khơi thông sau 3 năm tắc nghẽn vì bị siết tín dụng. Cửa vay cũng rộng mở hơn với những người có nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên nguồn vốn dồi dào này được ngân hàng ưu ái đổ vào đâu?

Từ khoảng giữa năm, không ít dự án bất động sản bỗng được "cứu vớt" từ dòng vốn hào phóng của ngân hàng. Bên cạnh các chủ đầu tư giờ là các chủ nợ - ngân hàng với những lời cam kết rất ngọt ngào!

Ngân hàng rất "hào phóng"!

Phó Giám đốc một công ty đang đầu tư dự án chung cư hơn 30 tầng ở đường Phạm Hùng (Hà Nội), cho biết dự án có tổng mức vốn hơn 2.000 tỷ đồng và đã được SHB cam kết tài trợ hơn 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dự án đang gặp vướng mắc về điều kiện pháp lý nên chưa thể khởi công để hấp thụ nguồn vốn này.

"Với bảo lãnh ngân hàng, chúng tôi sẽ không lo lắng về nguồn vốn đầu tư, do đó sẽ đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ. Dự án có vị trí đắc địa, giá bán khá thấp so với dự án cùng vị trí nên chắc chắn sẽ không lo ế thanh khoản sau này", vị lãnh đạo này nói và cho biết ngân hàng cũng sẽ cho khách hàng vay mua nhà tại dự án.

Người mua nhà tại dự án Dle Pont Dor Hoàng Cầu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng được ngân hàng SHB cam kết tài trợ 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất cố định là 8,68%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Khách hàng mua dự án chỉ phải trả 5%/năm còn chủ đầu tư hỗ trợ 3,68%. Nhờ hỗ trợ từ ngân hàng nên dù dự án đã "đóng băng" một thời gian dài nhưng chủ đầu tư tỏ ra khá lạc quan.

Trong năm nay cũng đã có hơn 15 ngân hàng lớn nhỏ đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi vay thấp dành cho khách hàng vay mua nhà dự án. Quy mô mỗi gói tín dụng cỡ khoảng 1.000 - 3.000 tỷ đồng, tổng cộng lượng tín dụng cam kết vượt hơn chục nghìn tỷ đồng. Mỗi ngân hàng cũng dành những ưu đãi riêng, hỗ trợ tối đa nhu cầu vốn cho khách hàng, nhất là tại dự án do ngân hàng tài trợ vốn. Chẳng hạn như tại dự án Maritime Bank, các nhu cầu vay mua nhà ở, căn hộ chung cư, biệt thự liền kề… được nới hạn mức tối đa tới 20 tỷ đồng. Tỷ lệ cấp tín dụng lên tới 80% nhu cầu vay nhưng không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm, thời gian vay từ 3 tháng đến 20 năm. Mức lãi suất vay mua nhà của Maritime Bank hiện từ 8%/năm trở lên. Tại Techcombank, hạn mức vay mua nhà tối đa là 10 tỷ đồng, nhưng thời gian vay kéo dài tới 25 năm, kèm các điều kiện vay dễ dàng. Cả Maritime Bank và Techcombank đều đang hỗ trợ vốn vay cho người mua nhà tại các dự án căn hộ cao cấp của Tập đoàn Vingroup như Times City, Vincom Nguyễn Chí Thanh… Thậm chí, cán bộ, nhân viên của ngân hàng còn được ưu tiên lãi suất vay rẻ hơn thị trường.

Lãi vay vào giá nhà

Các ngân hàng ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các dự án BĐS với vai trò tài trợ vốn vay mua nhà như BIDV, MB, HDBank, SHB, Sacombank… Với sự tham gia đông đảo này, việc cạnh tranh để giành giật khách hàng vay vốn là điều dễ hiểu.

Ví dụ như cả hai ngân hàng Techcombank và MB đều có chính sách vay mua nhà tương tự nhau khi dự án Times City (Hà Nội) mở bán đợt 2: hạn mức vay 70% giá trị căn hộ, lãi vay chỉ 8%/năm… Hiện, MB đang phải cạnh tranh với BIDV tại dự án chung cư Residence (Hà Nội) với mức lãi suất chỉ 8,5%/năm.

Phó Tổng Giám đốc HDBank- ông Lê Thành Trung, cho biết đã có những chủ đầu tư cũng được làm đầu mối bảo lãnh cho khách hàng mua căn hộ, nhằm hạn chế các thủ tục vay, tạo thanh khoản đầu ra… Tuy nhiên bản thân chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính, điều kiện thì mới có khả năng bảo lãnh cho khách hàng của mình. Ngân hàng sẽ giám sát chặt tài chính của cả hai bên, đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

Nhờ có nguồn vốn bơm vào, các dự án BĐS được đẩy nhanh tiến độ, thanh khoản tốt hơn… từ đó giúp các chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh, tăng cao lợi nhuận. Khách hàng mua nhà cũng được hưởng lợi lớn vì sớm có nhà ở, rút ngắn thời gian vay vốn, giảm chi phí vay. Tuy nhiên, tình hình sẽ đi ngược lại nếu lượng vốn chủ đầu tư phải vay quá lớn với chi phí tài chính đắt đỏ thì giá bán nhà sẽ không thể rẻ được.

Đơn cử, tại dự án Phạm Hùng, nếu SHB chấp thuận cho vay 900 tỷ đồng với lãi suất bình quân 11%/năm, thì tổng tiền lãi sau 3 năm lên tới 300 tỷ đồng. Chi phí vốn vay tăng cao thì giá nhà sẽ tiếp tục bị đội lên.

Trên thực tế, sau thời gian giao dịch ảm đạm với giá bán chỉ 15 - 17 triệu đồng/m2, cuối năm 2013, dự án HP Landmark Lê Văn Lương (The Pride) được MB cam kết rót 530 tỷ đồng. Giá nhà bắt đầu tăng nhanh, lên tới 22 - 24 triệu đồng/m2. Ngoài tiến độ thi công nhanh hơn, yếu tố chi phí vốn cũng khiến giá nhà bị đội lên. Điều này có thể nhận thấy ở mức giá bán từ 30 - 60 triệu đồng/m2 tại các dự án căn hộ cao cấp Royal City, Times City, Vincom Nguyễn Chí Thanh… Thậm chí, khi dự án chưa được chấp thuận đầu tư, ngân hàng đã "bơm" cả nghìn tỷ đồng cho vay và "đóng góp" khoản lợi nhuận (tiền lãi, phí) rất lớn cho nhà băng.

Người mua nhà hiện nay cũng hết sức tỉnh táo trước những lời mời chào vay vốn hấp dẫn của ngân hàng với mức lãi suất rất thấp và đặc biệt ưu ái với dự án có quan hệ với ngân hàng. Nhiều người mua nhà cho biết, thay vì chỉ nhìn vào dự án như trước đây, họ sẽ tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của chủ đầu tư, cơ cấu nợ vay, chi phí… để đánh giá sự phù hợp của mức giá bán căn hộ. Thời buổi này không ai dại mà "cõng" cả những chi phí do doanh nghiệp vay nặng lãi, phương án sử dụng vốn kém hiệu quả.

(Theo Thời báo Kinh doanh) 

Cập nhật: 13/12/2014 -
Lượt xem:1764
Các tin khác
Từ 25/11, vay gói 30.000 tỷ được kéo dài 15 năm

Từ 25/11, vay gói 30.000 tỷ được kéo dài 15 năm

Ngày đăng: 12/12/2014 - Lượt xem: 1625

Bỏ con dấu trong giao dịch bất động sản

Ngày đăng: 04/12/2014 - Lượt xem: 1537

Vốn FDI vào bất động sản tăng trở lại

Ngày đăng: 02/12/2014 - Lượt xem: 1576