Hotline: 098.256.8899
Chat Facebook
Chat Zalo
Gọi ngay
098.256.8899  -  091.689.7273
Tìm kiếm nhà đất
Nhà phố Harbor Bay Hạ Long

Quảng Ninh: Nỗ lực để khẳng định vị thế, thương hiệu PCI

Cập nhật: 26/05/2020 -
Lượt xem:614
Ngày 25/5, sau 20 ngày đón nhận cup quán quân PCI năm 2019, không chờ đợi lâu tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để phân tích chuyên sâu các chỉ số tăng điểm, thăng hạng, chỉ số giảm điểm, giảm hạng để tiếp tục bàn các giải pháp nâng cao chất lượng PCI bền vững. Hội nghị có sự tham dự của các nhà diễn giả, chuyên gia đầu ngành của cả nước về PCI; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Hội nghị diễn ra với tinh thần cởi mở, cầu thị của tỉnh, lắng nghe tham góp để tiếp tục duy trì thứ hạng năm tiếp theo và khẳng định thương hiệu chính quyền năng động, sáng tạo, điểm đến kinh doanh hàng đầu vững chắc, lâu bền cho tỉnh Quảng Ninh. 


 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương


Dư địa để cải cách vẫn còn

Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có nhiều đổi mới và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kết quả PCI 2019 với tổng điểm là 73,40, số điểm cao nhất toàn quốc từ trước tới nay, giữ vững xếp hạng ở vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Điều này khẳng định niềm tin, sự hài lòng ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Phân tích các kết quả đạt được, đồng chí Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp và Thương mai Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI, cho rằng: Nhìn vào các chỉ số thành phần PCI năm 2019, tỉnh Quảng Ninh mặc dù không đứng số 1 ở tất cả các chỉ số nhưng lại là địa phương có số lượng các chỉ số đứng trong tốp 5 nhiều nhất cả nước. Kết quả đó cho thấy sự quan tâm, thực thi, nỗ lực cải thiện tất cả các lĩnh vực của tỉnh...

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh điều hành phần thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Đỗ Phương

Đặc biệt, nhìn vào chỉ số chính và các chỉ số thành phần năm 2019 cho thấy Quảng Ninh có rất nhiều điểm sáng. Cụ thể, đã tạo được thương hiệu chính quyền năng động sáng tạo thể hiện chỉ số tính năng động, tiên phong của chính quyền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Năng lực thực thi ở cấp sở, ngành và địa phương được ghi nhận tốt nhất. Môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng hơn. Chất lượng đào tạo lao động cải thiện rõ cho thấy chính sách giáo dục của tỉnh đang đi đúng hướng cũng như sự quan tâm cho tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực.

Niềm tin của doanh nghiệp vào thiết chế pháp lý của tỉnh ngày càng được củng cố. Gánh nặng chi phí không chính thức được giảm bớt khi tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp giảm rõ rệt. Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đang cải thiện từ tìm kiếm thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, dịch vụ công nghệ, đào tạo...

Dù có nhiều điểm sáng nhưng Quảng Ninh vẫn có 4 chỉ số thành phần giảm hạng và tổng điểm còn cách xa đến thang điểm tuyệt đối là 100. Phân tích kỹ các chỉ số kể cả tăng điểm, thăng hạng và giảm điểm, giảm hạng, các chuyên gia đầu ngành về PCI cho rằng, nhiều chỉ số Quảng Ninh dù dẫn đầu cả nước hay đứng trong tốp 5 nhưng số điểm chưa đạt tuyệt đối, vì vậy không gian cải cách vẫn còn dư địa rất lớn với chính quyền tỉnh.

 
Đồng chí Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, phân tích chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh. Ảnh: Đỗ Phương

Theo VCCI, doanh nghiệp kỳ vọng tỉnh Quảng Ninh thời gian tới tiếp tục cải thiện thủ tục đất đai và mặt bằng kinh doanh; tạo thuận lợi hơn trong thủ tục hậu đăng ký kinh doanh; nỗ lực cắt giảm thời gian thực hiện TTHC và khắc phục tình trạng thủ tục còn phiền hà ở một số lĩnh vực. Đặc biệt, Quảng Ninh cần minh bạch thông tin và sự nhất quán trong thực thi chính sách, đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tín dụng tại địa phương; tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương để mời gọi đầu tư.

Nhìn vào kỳ vọng của doanh nghiệp có thể thấy, Quảng Ninh hoàn toàn có thể cải thiện vượt bậc và bền vững các chỉ số trong năm tiếp theo. Đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: Quảng Ninh có một “kho tàng” của những ý tưởng đổi mới, sáng tạo và cải cách, vì vậy trước những xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay đang diễn ra nhanh chóng, tỉnh Quảng Ninh sẽ có nhiều lợi thế, cơ hội để đón "làn sóng" đầu tư mới, tạo nên những cải cách mới, lấp đầy dư địa còn lớn hiện nay...

Khẳng định thương hiệu khác biệt

Khi Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng PCI trong nhiều năm liền thì kì vọng của doanh nghiệp ngày càng cao hơn. Sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn diễn ra rất quyết liệt; những tỉnh đứng cuối đang có lợi thế của “người đi sau” khi có thể tham khảo và áp dụng những cách làm hay, thực tiễn tốt sẵn có từ những tỉnh nhóm trên để cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương mình.

Trong năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh PCI, hướng tới mục tiêu tăng dần điểm tổng PCI qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 73.40 lên 75.30 điểm, tăng 1.90 điểm so với năm 2019. Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 8 chỉ số trong top 5/63 (chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự), 2 chỉ số trong top 10/63 (tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp). Ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 3 chỉ số: Chi phí gia nhập nhập thị trường, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Đỗ Phương

Để thực hiện mục tiêu trên thì việc tìm ra các sáng kiến mới, thực chất để cải thiện vượt bậc môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đòi hỏi tỉnh thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt. Tại hội nghị phân tích chuyên sâu chỉ số năng lực cạnh tranh PCI Quảng Ninh năm 2019, hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra bàn thảo, tham góp ý kiến.

Các sở, ngành, địa phương đều cam kết nỗ lực vào cuộc triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19, như: Tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường các giải pháp linh hoạt để hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu..., và các công ty liên doanh với các quốc gia trong vùng dịch. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế. Tiếp đó là hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước và các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh...

Phát biểu tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: PCI đã làm nên thương hiệu, sự khác biệt của Quảng Ninh trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, trong việc thúc đẩy các thành phần kinh tế, đón bắt các cơ hội đầu tư với công nghệ thông minh hơn, “sạch” hơn. Với mục tiêu giữ vững thương hiệu, vị thế của mình, Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan nhà nước ở từng cấp, lấy mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia, dân tộc là ưu tiên hàng đầu; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước các cấp của tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động công khai, minh bạch, rõ ràng. Đồng thời, xây dựng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, hoạt động trên nền tảng công nghệ cao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực làm việc trong môi trường công khai, minh bạch, nhanh - sạch - chuyên nghiệp - chính xác tại các Trung tâm Hành chính công; khi bổ nhiệm cán bộ, bắt buộc phải có tiêu chí đã làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh và phải có thành tích công tác…

Thu Chung

Cập nhật: 26/05/2020 -
Lượt xem:614
Các tin khác
"Quảng Ninh là hình mẫu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng"

"Quảng Ninh là hình mẫu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng"

Ngày đăng: 25/05/2020 - Lượt xem: 676

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Quảng Ninh đã vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực. Những thành quả ấy đã được các Bộ, ngành Trung ương...
Quảng Ninh là "sếu đầu đàn" về thu hút và phát huy vai trò của các nhà đầu tư tư nhân

Quảng Ninh là "sếu đầu đàn" về thu hút và phát huy vai trò của các nhà đầu tư tư nhân

Ngày đăng: 25/05/2020 - Lượt xem: 585

Ngày 24/5, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác Thủ tướng đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tình hình thực hiện Nghị quyết...
Quảng Ninh: Tạo sức hút đầu tư từ công tác GPMB

Quảng Ninh: Tạo sức hút đầu tư từ công tác GPMB

Ngày đăng: 23/05/2020 - Lượt xem: 530

Trong quá trình triển khai dự án, giải phóng mặt bằng luôn là một khâu khó khăn và cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ nhiều dự án. Thế nhưng, nhiệm vụ này ở Quảng...
Đẩy nhanh GPMB các dự án trọng điểm ở TP Hạ Long

Ngày đăng: 23/05/2020 - Lượt xem: 698

Cẩm Phả: Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch

Ngày đăng: 21/05/2020 - Lượt xem: 741