Không chỉ các tập đoàn quốc tế, nhiều ông lớn Việt Nam cũng đang nhảy vào cuộc chơi của bất động sản nghỉ dưỡng. Dòng sản phẩm đắt đỏ này đang có sức hút mạnh mẽ với nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ.
|
Một khu biệt thự nghỉ dưỡng ven biển - Ảnh minh họa: BĐS |
Chỉ trong ba tháng đầu năm, số lượng các dự án nghỉ dưỡng hạng sang liên tiếp tung ra thị trường. Sun Group tung hàng loạt dự án nghỉ dưỡng Condotel & Resort, Vingroup cũng mở bán chuỗi dự án nghỉ dưỡng mang thương hiệu Vinpearl Resort & Villas ở hàng loạt tỉnh thành như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Nha Trang và Phú Quốc.
Bên cạnh những địa danh du lịch quen thuộc, một số tỉnh thành mới như Cam Ranh, Phan Thiết, Hội An cũng đang nô nức chào đón nhiều dự án nghỉ dưỡng mới. Đơn cử như Eurowindow tuyên bố đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng để xây dựng hai khu bất động sản nghỉ dưỡng 5 sao gồm Movenpick Cam Ranh Resort (24ha) và Radisson Blu Cam Ranh Resort (hơn 11ha) tại bờ biển Bãi Dài; Hội An cũng đón thêm một dự án nghỉ dưỡng mới là New Hoi An City do HB Group làm chủ đầu tư; Vingroup cho ra mắt dự án nghỉ dưỡng mới tại Quảng Ninh…
Đặc biệt ngoài những tên tuổi quen thuộc kể trên, năm nay thị phần bất động sản nghỉ dưỡng có thêm những thương hiệu mới như Him Lam, Danh Khôi, Nhật Minh… Trong đó, Công ty CP du lịch Nhật Minh vừa công bố dự án căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng chuẩn 4 sao Ariyana Smart Condotel tại Nha Trang với mức giá khá mềm, chỉ từ 25 triệu đồng/m2 cho căn hộ được trang bị 100% nội thất thông minh và hệ thống dịch vụ tiện ích nội khu cao cấp... Công ty Him Lam chọn Hòn Dấu, Hải Phòng để triển khai dự án nghỉ dưỡng mới của mình; còn Danh Khôi lại phát triển dự án Queen Pearl tại Mũi Né, Phan Thiết.
Sự bùng nổ nhanh chóng của BĐS nghỉ dưỡng khiến không ít nhà đầu tư lo ngại sẽ phải đối mặt với khó khăn khi đi tìm bài toán đầu ra cho dòng sản phẩm nhà ở vốn xa xỉ và kén khách này. BĐS nghỉ dưỡng mang lại nguồn lợi nhuận rất lớn nhưng chưa bao giờ được xem là phân khúc “dễ ăn”.
Thực tế thị trường đã ghi nhận không ít dự án nghỉ dưỡng hàng triệu đô phải dừng cuộc chơi giữa đường hay những dự án đã phát triển xong hàng chục năm vẫn tồn kho sản phẩm. Phân khúc này chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng thượng lưu, riêng với khách hàng mua đầu tư, hầu hết họ đều là những nhà đầu tư thông minh và có kinh nghiệm nên chắc chắn khi quyết định chi vài triệu USD mua sản phẩm, cái họ cần chính là hiệu quả lợi nhuận rõ ràng.
Tuy giá bán đang là lợi thế của phân khúc này tại Việt Nam nhưng tiềm năng sinh lời lại phụ thuộc nhiều vào xu hướng phát triển hạ tầng tương lai của khu vực. Yếu tố thương hiệu cũng tác động rất lớn đến khả năng tiêu thụ của phân khúc này, những dự án của chủ đầu tư tên tuổi đã được thị trường quốc tế khẳng định mới được giới đầu tư quan tâm. Đó cũng là lý do vì sao dù là miếng bánh hấp dẫn nhưng hiện tại chỉ có các ông lớn hay tập đoàn quốc tế mới đầu tư sản phẩm nghỉ dưỡng đắt đỏ.
Theo ông Stephen Wyatt, tổng giám đốc Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, giới đầu tư quốc tế quan tâm thì nhiều mà thực tế xuống tiền thì hạn chế. Những biến động liên tục về thể chế luật cộng thêm sự thiếu minh bạch trong chính sách quản lý là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư ngoại còn e dè và thận trọng khi chọn lựa Việt Nam.
Ông Nguyễn Nam Sơn, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners nhận định áp lực cạnh tranh của phân khúc nghỉ dưỡng trong năm nay sẽ rất gay gắt. Để tìm lối đi an toàn, bên cạnh việc tập trung vào dòng biệt thự triệu đô, nhiều CĐT đang hướng đến thị phần căn hộ nghỉ dưỡng bởi dòng sản phẩm này có chất lượng khá tốt và giá thành lại mềm hơn rất nhiều. Một số doanh nghiệp đang đạt được thành công khi phát triển theo hướng này như Tập đoàn Tanzanite International với dự án nghỉ dưỡng The Hamptons Hồ Tràm (Vũng Tàu), Công ty CP du lịch Nhật Minh với các sản phẩm căn hộ du lịch thuộc dự án Ariyana Smart Condotel (Nha Trang)…
ĐÔNG PHONG (batdongsan.com.vn)