Trong khi dư nợ tín dụng chung cả nước chỉ đạt khoảng 6% thì dư nợ tín dụng BĐS đến hết quý III/2014 đã tăng 12%. Đây là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang đổ mạnh vào thị trường BĐS khi thị trường này có dấu hiệu hồi phục.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
Triển khai từ hồi tháng 6/2013 đến nay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã gần đạt được 1/3 tiến độ và kế hoạch đã định; trong đó doanh số cho vay đối với chủ đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng và cho vay cá nhân để mua nhà ở xã hội là 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên gói tín dụng này vẫn giải ngân khá chậm, chưa đạt như kỳ vọng.
Trước thực trạng thị trường BĐS cũng như nguyện vọng của người mua nhà, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61 sửa đổi, bổ sung cho Nghị quyết 02 về tháo gỡ khó khăn cho BĐS. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực hỗ trợ người mua với việc mở rộng cả về đối tượng được vay vốn gói 30.000 bằng khi ban hành Thông tư 32.
Theo một số chủ đầu tư, trong năm 2015 và những năm tới, việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ sẽ có nhiều bứt phá, từ đó thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, lan tỏa sang phân khúc cao cấp và kéo cả thị trường đi lên theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, sau khi gỡ rối được vướng mắc về khâu thủ tục, thời gian xét duyệt gói 30.000 tỷ đồng thì một khó khăn khác lại nảy sinh đó là vấn đề nguồn cung. Một khi tiến độ giải ngân tốt, nhu cầu của người dân tăng cao nhờ dễ dàng vay gói hỗ trợ nhưng lại không có sản phẩm phù hợp. Vì thế các chủ đầu tư nên mạnh dạn cung cấp ra thị trường những sản phẩm phù hợp.
Ngân hàng đua nhau mở hầu bao
Nếu các ngân hàng thực hiện chủ trương thắt chặt tín dụng từ năm 2011, thì trong năm nay, ngân hàng lại đua mở hầu bao! Đến tháng 09/2014, dư nợ tín dụng BĐS tăng tới 10.8% so với đầu năm; mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống (xấp xỉ 7%) và so với tốc độ tăng trưởng tín dụng BĐS bình quân giai đoạn 2011-2013 (7.2%/năm).
Sau một thời gian được ngân hàng bơm vốn tích cực, rất nhiều dự án từ Bắc chí Nam đã rục rịch tái khởi động. Cuối năm, tín dụng bất động sản vẫn hứa hẹn nhiều bứt phá khi nhiều ngân hàng vẫn đẩy mạnh cho vay mua nhà, sửa chữa nhà với mức lãi suất rất ưu đãi.
Vào ngày 1/2/2015 tới đây, khi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, dự báo hiệu ứng tăng trưởng tín dụng bất động sản sẽ mạnh hơn trong thời gian tới. Hệ số rủi ro được giảm từ mức 250% xuống còn 150% khi cho vay BĐS và chứng khoán.
Không chỉ đổ xô cho khách hàng cá nhân vay mua bất động sản, các ngân hàng còn dành riêng một số gói tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản.
Ngân hàng bắt tay chủ đầu tư
Sau khi được Nhà nước "bật đèn xanh", các ngân hàng đã nhanh chóng bắt tay hợp tác với chủ đầu tư dự án trong việc cấp tín dụng cho khách mua nhà, nhằm tăng mãi lực cho các dự án bất động sản.
Hàng loạt cú "bắt tay" của ngân hàng và chủ đầu tư trong năm 2014 có thể kể đến như Techcombank đang áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi 0% đối với khách hàng mua nhà tại Vinhomes; Techcombank và Sacombank cùng tài trợ vốn cho Dự án Masteri Thảo Điền; ANZ hợp tác cùng Phú Mỹ Hưng cung cấp dịch vụ cho vay mua nhà, vay thế chấp nhà trong 20 năm...
Nhiều nguồn vốn cho BĐS
Dù bị cho là bắt tay với chủ đầu tư nhằm giải quyết nợ xấu nhưng không thể phủ nhận nhiều dự án được ngân hàng cam kết cấp tín dụng cho khách hàng đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của khách hàng, từ đó, góp phần hâm nóng thị trường BĐS vốn trầm lắng trong một thời gian dài.Đánh giá về nguồn vốn cho thị trường, TS. Vũ Đình Ánh nhận định, số liệu từ ngân hàng cho thấy tín dụng cho BĐS chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn tín dụng. Như vậy, nguồn tín dụng dành cho bất động sản hiện nay khoảng 350.000 tỷ đồng. “Con số này là chưa nhiều và có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi hiện có nhiều nguồn vốn khác nhau đang chực chờ “đổ” vào bất động sản như kiều hối, nhà đầu tư nước ngoài…”, ông Ánh nhận định.
(Theo Vietnamnet)