Đến năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ cấp giấy chứng nhận cho 37.421 căn trên địa bàn thành phố.
Hiện tại TP.HCM vẫn còn trên 63.000 căn hộ và nhà ở thấp tầng chưa được cấp giấy chứng nhận.
HƠN 63.000 CĂN CHƯA CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn TP.HCM còn hơn 27.709 căn hộ chung cư thuộc 63 dự án bị “treo” sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất), trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn của thành phố.
Cụ thể, Tập đoàn Hưng Thịnh (ghi nhận 7.944 căn), Tập đoàn Novaland (6.118 căn), Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (3.414 căn), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (1.377 căn), Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam (1.092); 02 công ty bất động sản khác gồm 4.489 căn…
Tại chung cư HausNeo của chủ đầu tư EZLand, cư dân đang treo băng rôn đòi sổ hồng. Thông tin từ phía chủ đầu tư dự án này cho biết, ngay khi dự án HausNeo được nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào tháng 8/2019, tất cả thủ tục, giấy tờ liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho cư dân đã được hoàn tất. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận khiến cư dân bức xúc.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết những dự án bị “treo” sổ hồng trong khoản thời gian dài, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu kiện, gây hoang mang cho người dân và làm mất an ninh trật tự của thành phố.
Tại hội nghị về đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, cho biết hiện thành phố có hơn 63.000 căn chưa được cấp giấy chứng nhận.
Trong đó, có 37.421 căn hộ, nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận của những dự án đã có văn bản thẩm định cấp giấy chứng nhận (29.423 căn chưa nộp hồ sơ; 7.998 căn đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, nhưng người mua đang thực hiện thuế hoặc hồ sơ đang rà soát).
Còn khoảng 25.579 căn nhà ở tại những dự án người mua nhà đã nhận nhà đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, nhưng chưa có văn bản thẩm định cấp giấy chứng nhận theo quy định.
Nguyên nhân là do vướng mắc nguồn gốc đất, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung, cơ quan nhà nước đang thanh tra, kiểm tra, vi phạm trong xây dựng...
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, từ nay đến tháng 12/2023, Sở sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư dự án để giải quyết cấp sổ hồng cho 37.421 căn.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ những dự án còn vướng mắc như có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch... và vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới (shophouse, officetel).
Sở cũng sẽ chủ động cùng với Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố để đẩy nhanh công tác thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với các dự án nhà ở.
85.000 CĂN ĐÃ CÓ SỔ TRONG 7 NĂM QUA
Kể từ ngày 01/7/2014 khi Luật Đất đai có hiệu lực đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 352 dự án, tương ứng với 85.046 căn (căn hộ và nhà ở thấp tầng).
Đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Năm 2018 đạt 13.026 căn, năm 2019 có 12.331 căn và năm 2020 đạt 16.528 căn.
Riêng 9 tháng đầu năm 2021, Sở đã giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 12.476 căn nhà, dự kiến 3 tháng cuối năm cấp thêm 6.500 căn nhà (trong đó có 4.448 căn nhà đã phát hành phiếu chuyển thuế và đang chờ người mua nhà thực hiện đóng thuế; 2.052 căn dự kiến tiếp nhận, giải quyết trong 3 tháng cuối năm).
Để giải quyết một số vướng mắc về cấp sổ hồng, HoREA kiến nghị đối với những dự án có sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, về thế chấp tài sản, nhưng căn hộ mà khách hàng mua vẫn phù hợp với quy hoạch, thiết kế, thì tách riêng phần sai phạm của chủ đầu tư để xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM xem xét ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì khách hàng là bên ngay tình, vô can, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà.
Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có), thì đây là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với cơ quan nhà nước, không liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của khách hàng mua nhà, thì đề nghị tách ra xử lý riêng và cũng ưu tiên giải quyết cấp sổ hồng trước cho người mua nhà.
Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện một trong số các biện pháp bảo đảm: Các căn hộ và diện tích kinh doanh mà chủ đầu tư giữ lại, thì chưa cấp sổ hồng và sẽ cấp sau, khi đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoặc, chủ đầu tư ký quỹ một khoản tiền bảo đảm; hoặc, chủ đầu tư có văn bản cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước...